Skip to content

Sai lầm khi sử dụng khiến nồi cơm điện Cuckoo nhanh bị hỏng

02/02/20253 lượt đọc

Nồi cơm điện Cuckoo nổi tiếng với độ bền bỉ nhưng nồi cơm của bạn vẫn có thể bị hư hỏng nhanh chóng nếu mắc phải những sai lầm phổ biến trong quá trình sử dụng.

1. Vo gạo trực tiếp trong lòng nồi

Bạn thường vo gạo như thế? Nếu đổ gạo và nước vào lòng nồi sau đó, dùng tay vo trực tiếp bên trong thì bạn đã mắc phải một sai lầm rất phổ biến khi sử dụng nồi cơm điện Cuckoo.

Có một sự thật ít người dùng biết đến là trong lòng nồi của nồi cơm điện có một lớp chống dính, nhờ đó mà cơm khi nấu không bị dính chặt vào nồi. Nhưng nếu vo trực tiếp gạo trong nồi, hạt gạo và móng tay có thể tiếp xúc với lớp chống dính, lâu dần có thể làm bong lớp này.

Một khi lớp chống dính của lòng nồi đã bị tróc ra, cơm khi nấu sẽ rất dễ bám dính vào lòng nồi và khó để vệ sinh. Nếu bạn đã biết đến việc lớp chống dính của chảo rán bị bong ra sẽ gây hại cho sức khỏe thì với lòng nồi cũng tương tự như vậy. Lớp chống dính bị bong ra có thể lẫn với cơm nấu và bản thân cơm cũng sẽ tiếp xúc trực tiếp với lớp nhôm bên dưới, tạo ra các phản ứng hóa học độc hại.

Do đó, bạn nên hạn chế tối đa vo gạo trực tiếp trong lòng nồi. Thay vào đó, bạn có thể vo gạo trong rổ inox lỗ nhỏ, sau đó đổ vào nồi để đong nước và nấu như bình thường.

Nên vo gạo trong rổ inox
Nên vo gạo trong rổ inox

Nếu lòng nồi đã có dấu hiệu bị tróc lớp chống dính, bạn cần nhanh chóng mua lòng nồi mới. Lưu ý là nên ghi lại model của nồi cơm để chọn mua lòng nồi tương thích và nên mua tại các cơ sở bán nồi cơm điện Cuckoo uy tín.

2. Để lòng nồi bị ướt

Lòng nồi là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mâm nhiệt bên dưới nên lòng nồi ướt sẽ làm rơ-le nhiệt bị ướt. Nếu chỉ một vài lần thì có thể sẽ không có chuyện gì xảy ra nhưng về lâu dài, các linh kiện bên trong nồi dễ bị thấm nước, hư hỏng, chập cháy, rò rỉ điện, giảm hiệu suất hoạt động và khiến nồi cơm điện Cuckoo nhanh bị hỏng, nguy hiểm hơn là phát nổ, gây nguy hiểm cho người dùng.

Để tránh phải sửa nồi cơm điện Cuckoo của bạn, hãy luôn để một khăn mềm, khô ở bếp và lau khô lòng nồi trước khi đặt vào trong nồi cơm.

3. Sử dụng sai mục đích

Có thể nhiều người đã biết nồi cơm điện Cuckoo có thể nấu được nhiều hơn là chỉ có cơm. Với những nồi cơm cao tần, bạn sẽ thấy trên bảng điều khiển có sẵn các tính năng nấu cháo, hấp, luộc, nấu các loại gạo khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là có thể nấu được mọi món bằng nồi cơm điện.

Nhiều người có thể nghĩ rằng nồi cơm có thể làm cả các món như rán, nướng, chiên hay xào vì lòng nồi có lớp chống dính như chảo rán. Nhưng điều này là hoàn toàn sai sự thật. Nếu bạn không muốn phải sửa nồi cơm điện Cuckoo thì tuyệt đối không làm những món trên bằng nồi cơm điện. 

Khi không chắc chắn nồi cơm của bạn có thể nấu những món gì, hãy nấu những món có chương trình riêng hoặc đơn giản là dùng nồi cho mục đích chính của nó là nấu cơm.

Ngoài ra, nếu bạn sử dụng nồi cơm điện hoặc nồi cơm cao tần với các chương trình riêng cho từng loại gạo thì nên nhớ sử dụng đúng chức năng của nồi. Ví dụ, sử dụng chế độ nấu gạo lứt cho gạo trắng thì cơm quá mềm, nhão hoặc đáy nồi bị cháy bởi gạo lứt thường cứng hơn nên thời gian nấu sẽ lâu hơn.

4. Nhấn nút COOK nhiều lần

Đối với nồi cơm điện cơ Cuckoo, nhấn COOK nhiều lần là cách để tạo cơm cháy - món ăn yêu thích của nhiều người Việt Nam. Ngoài ra, khi làm các món hầm thì cũng cần bấm COOK nhiều lần để thịt hoặc rau củ được ninh nhừ.

Hành động tưởng chừng vô hại này thực tế lại có thể khiến nồi cơm điện Cuckoo của bạn nhanh hỏng hoặc bị quá tải. Mỗi lần nhấn COOK là một lần mâm nhiệt phải hoạt động liên tục ở nhiệt độ cao và cảm biến phải khởi động lại nhiều lần trong thời gian ngắn, khiến các linh kiện nhanh bị hao mòn và lòng nồi cũng dễ bị hư hỏng hơn. Và nếu bạn để ý, nhấn COOK nhiều lần cũng có thể khiến nồi cơm nhảy sớm hơn bình thường và cơm có thể chín không đều hay đồ ăn chưa chín thì nồi đã sang chế độ giữ ấm.

Bạn nên hạn chế nhấn nút COOK. Thông thường, bạn chỉ cần bấm COOK 1 lần duy nhất sau khi nồi nhảy sang WARM là đã có thể tạo ra được món cơm cháy ngon dẻo. Trong trường hợp bạn muốn làm các món hầm thì nên dùng nồi áp suất ngoài hoặc dùng nồi cơm điện cao tần.

Hạn chế nhấn COOK nhiều lần
Hạn chế nhấn COOK nhiều lần

5. Che kín van thoát hơi khi nấu

Van thoát hơi nằm trên nắp nồi cơm có chức năng điều chỉnh áp suất và thoát hơi nước dư thừa để đảm bảo cơm được nấu chín đều và ngon. Che van thoát hơi làm hơi nước và áp suất không thể thoát ra, dẫn đến áp suất bên trong nồi tăng cao vượt mức an toàn.

Nếu tình trạng không nghiêm trọng thì hành động này chỉ ảnh hưởng tới chất lượng của cơm nhưng nếu trường hợp xấu hơn, các linh kiện bên trong của nồi cơm có thể bị hư hỏng, giảm tuổi thọ của nồi cơm hoặc nổ nồi cơm với những nồi có chế độ nấu áp suất cao.

Tốt nhất là bạn nên đảm bảo van thoát hơi được thông thoáng và luôn hoạt động bình thường. Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra thường xuyên để đảm bảo vị trí của van không bị tắc nghẽn, làm cản trở hơi nước thoát ra.

6. Để đồ dùng trong hoặc trên nồi cơm

Có thể vì một lý do nào đó mà người dùng phải để các đồ dùng như bát đũa, dao kéo hoặc các món đồ khác trong gia đình vào nồi cơm điện. Bạn nên tuyệt đối tránh hành động này. Dù bạn để đồ bên trong hay bên ngoài nồi cơm đều có thể khiến nồi bị trầy xước, móp méo, ảnh hưởng tới hiệu năng của thiết bị khi cần sử dụng tới.

Nếu bạn không có nhu cầu sử dụng nồi cơm nữa, thay vì dùng thiết bị để đựng đồ, bạn nên đem nồi đến các địa chỉ sửa nồi cơm điện để bán.

Tham khảo từ: dienmayxanh.com

5/5 (1 bầu chọn)