1. Lòng nồi không sạch
Một trong những lý do chính khiến gạo dễ bị hỏng trong nồi cơm điện là do nồi cơm, đặc biệt là lòng nồi không sạch. Theo thời gian, các hạt thức ăn, dầu mỡ và cặn bẩn, đặc biệt khi bạn sử dụng nồi cơm để nấu những món ăn khác ngoài cơm, có thể tích tụ bên trong nồi và tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.
Các vi khuẩn này khi ở nhiệt độ thích hợp sẽ bám vào cơm, khiến cơm nhanh thiu. Cách khắc phục đơn giản nhất là bạn cần thay đổi thói quen sử dụng nồi cơm và chú ý vệ sinh nồi cơm sau mỗi lần sử dụng là tốt nhất. Chúng tôi luôn khuyến khích người dùng nên vệ sinh sâu nồi cơm từ 1-2 lần/tuần để đảm bảo thiết bị luôn ở trạng thái tốt nhất. Nếu bạn có thời gian hoặc sử dụng nồi cơm thường xuyên thì có thể vệ sinh mỗi ngày.
Vệ sinh nồi cơm sạch sẽ không chỉ giúp cơm được dẻo, ngon mà còn đảm bảo hiệu suất hoạt động của nồi. Ngoài ra, khi vệ sinh nồi cơm, bạn cũng cần chú ý kiểm tra các bộ phận của nồi để nếu có bất kỳ vấn đề gì, bạn có thể kịp thời gọi dịch vụ sửa nồi cơm điện để nhân viên tới tận nơi kiểm tra thiết bị.
2. Để cơm trong nồi
Nếu bạn để ý thì có thể nhận thấy cơm thường nhanh thiu hơn vào mùa hè hoặc vào thời gian nồm ẩm ở miền Bắc. Mùa hè ở Việt Nam có nhiệt độ từ 30-40°C, là mức nhiệt lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng. Nếu để nồi cơm mở, vi khuẩn sẽ rất dễ xâm nhập vào bên trong và làm hỏng cơm.
Nhưng nếu bạn nghĩ rằng đậy chặt nắp sẽ khắc phục được vấn đề này thì đây là quan niệm sai lầm. Khi để cơm bên trong nồi cơm đóng chặt sẽ khiến không khí bên trong lưu thông kém, hơi nước đọng trong nồi cơm tích tụ lại và ủ trong cơm nên vi khuẩn vẫn có thể phát triển bình thường.
Nồi cơm mở hay đóng đều có thể khiến cơm bị thiu nên cách tốt nhất là bảo quản cơm trong một hộp đựng đồ ăn và bỏ vào trong tủ lạnh nếu không có ý định dùng trong vòng 2-3 giờ. Bạn có thể bảo quản cơm trong ngăn mát tủ lạnh tối đa là 24 tiếng. Nếu vượt quá thời gian này, bạn nên bỏ cơm đi và một khi cơm đã thiu thì tuyệt đối bạn không được ăn hay hâm nóng lại.
Bạn cũng nên nhớ hâm nóng lại cơm trước khi ăn, kể cả khi cơm không bị ôi hoặc được bảo quản trong tủ lạnh, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra, hãy vệ sinh sạch sẽ lòng nồi để đảm bảo phần cơm thiu đã được loại bỏ hoàn toàn trước khi đổ gạo mới vào.
3. Loại gạo không phù hợp
Bên cạnh yếu tố về nhiệt độ môi trường, loại gạo bạn sử dụng cũng có thể ảnh hưởng tới thời gian cơm bị thiu do có thời gian lên men khác nhau. Tốt nhất là khi mua gạo, bạn nên hỏi kỹ người bán để hiểu và sử dụng loại gạo đó đúng cách. Nếu bạn thấy gạo mới mua nhanh thiu hơn gạo đã sử dụng trước đó, hãy cân nhắc mua gạo khác hoặc bảo quản cơm đúng cách, tránh để cơm bị thiu và gây lãng phí.
Có những trường hợp gạo bị ẩm, mốc trước cả khi cho vào nồi cơm nên khi nấu, cơm có mùi chua nồng của cơm thiu. Do đó, bạn cần đặc biệt lưu ý khi vo gạo và ngay lập tức loại bỏ gạo mốc. Bạn cũng cần kiểm tra lại thùng gạo để xác định nguyên nhân khiến gạo bị ẩm, mốc. Bảo quản thùng đựng gạo ở nơi thoáng mát và tránh để ở vị trí thấp, ẩm ướt, đặc biệt là vào mùa nồm ở miền Bắc và không dùng tay, cốc đong gạo bị ướt khi lấy gạo.
4. Chế độ giữ ấm không hoạt động
Thông thường, sau khi cơm được nấu chín, nồi cơm sẽ tự động chuyển sang chế độ giữ ấm để khi sử dụng, cơm vẫn được dẻo, ngon và nóng hổi. Hầu hết nồi cơm điện của Cuckoo đều có thời gian giữ ấm lên đến 13 giờ. Tuy nhiên, không phải lúc nào tính năng này cũng hoạt động đúng cách, khiến cơm dù để trong nồi nhưng không được giữ ấm. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy vấn đề này khi cơm nhanh nguội ngay sau khi nấu và nếu để lâu thì sẽ bị thiu.
Nguyên nhân khiến chế độ giữ ấm của nồi cơm không hoạt động là do bộ phận cảm biến nhiệt hoặc rơ-le giữ ấm bị hỏng. Trong trường hợp này, bạn không thể sửa nồi cơm điện tại nhà vì đây là sự cố phức tạp và cần có chuyên môn kỹ thuật để xử lý. Thay vào đó, bạn cần nhanh chóng liên hệ tới dịch vụ chuyên sửa nồi cơm điện để được hỗ trợ.
5. Nồi cơm điện đã quá cũ
Khi nồi cơm điện đạt trên 5 năm tuổi và đặc biệt là trên 10 năm thì dù nồi vẫn hoạt động tốt thì linh kiện và bộ phận bên trong đã ít nhiều bị hao mòn và không thể đạt được hiệu suất như khi còn mới. Điều này có thể khiến nồi nấu không chín đều, cơm chín không kỹ, dễ bị hỏng.
Nếu bạn vẫn chưa muốn thay nồi mới, bạn có thể đem nồi tới địa chỉ sửa nồi cơm điện uy tín để nhân viên kiểm tra và thay thế linh kiện nếu cần. Nhưng kể cả khi nồi cơm được sửa chữa, thiết bị cũng không thể hoạt động tốt nhất nên nếu sau khi sửa, cơm vẫn không được ngon hoặc nhanh thiu thì bạn nên cân nhắc thay thế nồi cơm mới. Nồi cơm mới không chỉ nấu cơm ngon hơn, nhiều tính năng hiện đại hơn mà còn tiết kiệm điện năng hơn các nồi cơm điện cũ.
Tóm lại, nồi cơm điện nấu cơm bị thiu thường là do người sử dụng không vệ sinh nồi thường xuyên, sử dụng loại gạo không phù hợp hoặc do bảo quản cơm không đúng cách. Nếu bạn đã thử các cách khắc phục cho từng trường hợp nhưng cơm vẫn bị thiu thì hãy tìm đến các cơ sở sửa nồi cơm điện gần nhà để được tư vấn và hỗ trợ.