Skip to content

Làm sao để dọn kính vỡ mà không bị đứt tay?

19/07/20251 lượt đọc

Bạn đã bao giờ đang lau nhà thì bất ngờ giẫm phải mảnh vỡ không rõ từ đâu không? Những tình huống đổ vỡ là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng nếu không biết xử lý đúng cách, bạn sẽ bị rách da, chảy máu, thậm chí là nhiễm trùng vết thương. Hoặc để lại hậu quả khi ai đó vô tình giẫm vào khi đi lại.

Thực tế, rất nhiều người cho rằng mình đã cẩn thận nhưng vẫn bị đứt tay hoặc xước chân. Vấn đề không còn nằm ở sự cẩn thận, mà có thể bạn đã bỏ qua một vài chi tiết tưởng chừng vô hại. Vậy rốt cuộc vì sao kính vỡ lại “lợi hại” đến vậy, dù bạn đã hết sức kỹ lưỡng?

Tại sao vẫn dễ bị đứt tay khi dọn mảnh kính dù đã cẩn thận?

Không ít người vẫn bị đứt tay dù đã cẩn thận hết mức, bởi mảnh kính vỡ không chỉ nằm ở những mảnh lớn dễ thấy, mà còn vô số mảnh nhỏ li ti rải rác xung quanh. Và dưới đây là những lý do mà phần lớn mọi người thường bỏ qua khi dọn mảnh vỡ:

  • Mảnh kính sẽ bắn ra khắp nơi: Cách mà kính vỡ tán ra khi rơi không tuân theo bất kỳ quy luật nào. Ngoài những mảnh to, các mảnh nhỏ sẽ văng tứ tung đến cả những nơi bạn không thể thấy.
  • Thói quen dùng tay không để nhặt kính: Mọi người thường nghĩ rằng mảnh kính to như vậy việc dọn dẹp bằng tay sẽ nhanh hơn, nhưng đó là một sai lầm phổ biến. Bởi kính vỡ sắc giống như lưỡi dao, chỉ cần sơ ý là sẽ đứt tay ngay, đặc biệt với những người thuê trọ không có đồ chuyên dụng để xử lý.

Tay không đeo bảo hộ nhặt kính vỡ

  • Thao tác vụng về: Đối với những người chỉ cần thấy máu là sợ, gây hoảng loạn hơn, dẫn tới việc vừa dọn vừa run khiến mảnh vỡ bay xa hơn, hoặc tự làm mình bị thương.
  • Ánh sáng khó nhìn: Có những mảnh li ti lẩn khuất dưới gầm bàn, chân ghế, chỉ thấy khi ánh sáng chiếu đúng góc. Với người mắt yếu, việc bỏ sót là điều dễ hiểu.
  • Quên kiểm tra lại: Các mảnh vỡ có thể sót lại trên đế dép, bàn chân hoặc chính đôi găng tay từng chạm vào kính. Nếu không kiểm tra từ những chi tiết nhỏ đó, nó sẽ khiến người khác giẫm trúng phải.

Nói vậy để thấy, dọn kính không đơn giản chỉ là chuyện dọn dẹp, bạn cần để ý từng chút, cẩn thận trong từng hành động để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.

Những tai nạn dễ xảy ra khi xử lý kính vỡ

Kính vỡ sẽ gây ra một vài nguy hiểm cho mọi người xung quanh, nếu không chú ý kỹ thì ngay cả người dọn cũng có thể bị thương:

  • Mảnh kính nhỏ có thể xuyên qua dép mỏng: Thực tế, những mẫu dép mỏng hoàn toàn sẽ bị kính vỡ xuyên qua, gây trầy xước lòng bàn chân hoặc khiến bạn mang mảnh đó đi rải khắp nơi khác trong nhà mà không hay.
  • Trẻ nhỏ/thú cưng liếm hoặc nuốt phải: Lúc này, trẻ hoặc vật nuôi có thể vô tình chạy tới khu vực đó liếm phải mảnh thủy tinh dính đồ ăn, hay dẫm phải, khiến người lớn không kịp phản ứng.
  • Mảnh vỡ bắn vào mắt khi dọn mạnh tay: Xử lý không cẩn thận hoặc cố vội vàng, sẽ khiến mảnh sắc nhọn văng trúng vùng mắt nếu bạn không đeo kính bảo hộ.

Mẹo thu dọn kính vỡ cực an toàn

Cần chuẩn bị gì để dọn kính vỡ?

Hãy chuẩn bị những thứ này để giúp bảo vệ tay chân và gom sạch mọi mảnh vụn:

  • Găng tay cao su (loại càng dày càng tốt)
  • Dép có đế dày
  • Đèn pin
  • Băng dính/Giấy ướt/Hót rác/Máy hút bụi…
  • Túi đựng rác
  • Để mọi người tránh xa khu vực kính vỡ, đặc biệt là trẻ em

Cách xử lý mảnh kính vỡ trong nhà đúng cách

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ cần thiết, hãy làm theo quy trình thu dọn đống kính vỡ này an toàn và hiệu quả dưới đây:

Hốt rác và chổi

Việc tận dụng hốt rác và chổi là mẹo đơn giản để gom sạch những mảnh kính vỡ trong nhà, cũng là lựa chọn phổ biến với những ai không có nhiều đồ chuyên dụng. Hãy dùng chổi quét nhẹ nhàng để đưa mảnh vỡ vào trong dụng cụ đựng, không nên mạnh tay, vì lực quá lớn sẽ làm mảnh kính bay tứ tung hoặc vỡ thêm thành những mảnh nhỏ hơn.

Một mẹo nhỏ để tránh mảnh kính kẹt lại là nghiêng nhẹ chiếc hốt sao cho mép của nó áp sát mặt sàn. Trong lúc quét, luôn để tay cách xa phần đầu chổi và không để chân di chuyển lung tung, đề phòng mảnh kính văng ra mà mình không nhìn thấy kịp.

Khăn ướt/giấy ướt

Với người sợ máu hoặc không dám dùng tay trực tiếp, lựa chọn cách dùng khăn giấy hoặc khăn ướt là một cách phù hợp. Những loại này có độ ẩm nhất định nên sẽ tạo sự kết dính khi tiếp xúc, giúp các mảnh kính nhỏ bám chặt vào giấy mà không bay đi chỗ khác. Chỉ cần ấn nhẹ, nhấc lên và lặp lại ở các vùng xung quanh là bạn đã xử lý được phần lớn những mảnh vụn mắt thường khó thấy.

Băng dính

Cách làm cực đơn giản từ việc dùng băng dính để dọn sạch những mảnh kính li ti như sau:

  • Đeo găng tay dày, rồi quấn một đoạn băng dính quanh lòng bàn tay sao cho mặt keo nằm ở ngoài.
  • Sau đó, bạn nhẹ nhàng ấn bàn tay xuống những nơi mảnh vụn mà mắt thường khó nhìn thấy như mép tường, chân bàn, chân ghế…
  • Theo đó, kính vỡ sẽ dính vào băng một cách dễ dàng mà không lo rơi rớt.

Máy hút bụi

Máy hút bụi có thể là trợ thủ đắc lực khi xử lý những mảnh kính nhỏ còn sót lại sau bước quét sơ bộ. Tuy nhiên, không nên dùng máy hút bụi để hút những mảnh kính dày hoặc có cạnh sắc bén. Nếu không, chúng sẽ va vào thành ống hút hoặc làm thủng ngăn chứa bụi, lâu ngày dễ khiến máy hoạt động kém đi, thậm chí hỏng hẳn.

Đây là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người sau đó phải loay hoay tìm cách sửa thiết bị hút bụi vì thiết bị đột ngột kêu to, yếu lực hút hoặc thậm chí không hoạt động nữa.

Bánh mì tươi

Nghe có vẻ vô lý nhưng bánh mì tươi lại là một mẹo dân gian để thu gom mảnh kính cực đơn giản. Nhờ vào độ xốp và dính tự nhiên của nó, bạn có thể khéo léo hút được cả những mảnh cực nhỏ mà mắt thường không thấy. Khi đã dùng xong, nhớ bọc kín phần bánh mì lại và bỏ ngay vào túi rác để tránh gây nguy hiểm cho người khác.

5/5 (1 bầu chọn)