Skip to content

Tại sao nồi cơm điện nhảy sớm khi cơm chưa chín?

24/05/20250 lượt đọc

Nồi cơm điện cơ nhảy sớm trước khi cơm hoặc đồ ăn được nấu chín là lỗi thường gặp khi sử dụng nồi cơm điện. Có một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này và với những nguyên nhân cơ bản, bạn có thể tự sửa nồi cơm điện.

1. Lượng nước quá ít

Cơ chế hoạt động của nồi cơm điện là mâm nhiệt nóng lên, lòng nồi tiếp xúc với mâm nhiệt cũng được làm nóng, khiến nước được đun sôi và nấu chín gạo thành cơm. Khi nước cạn thì nồi sẽ chuyển sang chế độ giữ ấm. Kể cả khi cơm chưa chín mà nước đã cạn thì nồi cũng sẽ nhảy.

Như vậy, khi lượng nước trong nồi quá ít không đủ để làm chín cơm thì sẽ xảy ra hiện tượng nồi cơm điện nhảy sớm. Lượng nước ít có thể là do người dùng chưa quen hoặc do muốn ăn cơm khô nên cố tình đong ít nước song tính toán sai về lượng nước cần thiết để cơm chín, dẫn đến tình trạng cơm bị sượng, đặc biệt là ở phần trên.

Bạn nên rút kinh nghiệm trong lần nấu tiếp theo bằng cách cho nhiều nước hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý tới loại gạo gia đình bạn sử dụng bởi mỗi loại gạo sẽ có độ dẻo và khô khác nhau do có khả năng ngấm nước khác nhau.

Thông thường, với nồi cơm điện Cuckoo, bạn có thể đong nước theo số lượng cốc gạo bạn lấy, với điều kiện là sử dụng cốc gạo chính hãng đi kèm với nồi. Ví dụ khi lấy hai cốc gạo, bạn sẽ lấy nước đến vạch số 2 trong lòng nồi cơm. Bằng cách này, cơm sẽ chín tới, không quá khô hay nhão. Sau đó, bạn có thể điều chỉnh lượng nước theo khẩu vị ăn của gia đình dựa trên mực nước tiêu chuẩn. Đối với nồi cơm điện từ các hãng khác, hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

2. Do ấn nút COOK nhiều lần

Nồi cơm điện cuckoo nhảy sớm do nhấn nút nhiều lần

Thông thường, khi làm các món hấp, luộc, đặc biệt là các món hầm, người dùng thường sẽ phải nhấn nút COOK nhiều lần để thịt hoặc rau củ được ninh nhừ. Nhưng nếu bạn để ý thì mỗi lần nhấn COOK liên tục, thời gian nhảy nút sẽ nhanh hơn. Nếu bạn thực hiện hành đồng này liên tục và nhiều lần, rơ-le nhiệt bị nhờn và những lần nấu sau, nồi cơm cũng sẽ nhảy nhanh hơn bình thường.

Tốt nhất là bạn nên hạn chế nấu các món ăn cần nhiều thời gian bằng nồi cơm điện cơ. Thay vào đó, hãy sử dụng các loại nòi, dụng cụ nấu nướng chuyên dụng cho các món ăn này. Trong trường hợp gia đình bạn sử dụng nồi cơm điện tử hay nồi cao tần thì sẽ không xảy ra tình trạng bị nhờn nút nhưng bạn vẫn cần chú ý chọn đúng chế độ nấu cho từng loại món mong muốn.

Khi rơ-le nhiệt đã bị nhờn thì bạn cần liên hệ cho chuyên gia sửa nồi cơm điện hoặc trực tiếp mang nồi đến các địa chỉ sửa nồi cơm điện để được tư vấn và hỗ trợ sửa chữa cụ thể.

3. Lòng nồi bị biến dạng hoặc không tương thích

Do lòng nồi tiếp xúc trực tiếp với mâm nhiệt nên khi cơm xảy ra các vấn đề như quá chín hay chưa chín, bạn đều cần kiểm tra lòng nồi của thiết bị. Khi lòng nồi bị méo, biến dạng do va đập, sử dụng không đúng cách hoặc không tương thích với nồi cơm, lòng nồi không thể tiếp xúc đều với mâm nhiệt và không được truyền nhiệt đúng cách.

Hãy kiểm tra lại lòng nồi của nồi cơm. Nếu phát hiện tình trạng móp méo, biến dạng, bạn nên tìm mua lòng nồi mới. Lưu ý là nên ghi lại model của thiết bị để lựa chọn bộ phận thay thế chính hãng và phù hợp với nồi. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể mang nồi cơm đến tận cửa hàng và thử trực tiếp. Hạn chế mua lòng nồi cũ, giá rẻ, lòng nồi từ bên thứ ba hoặc mua qua sàn thương mại điện tử.

Khi sử dụng thiết bị, bạn cần sử dụng cẩn thận và đúng mục đích, tránh để lòng nồi rơi đất hoặc bị va đập với các thiết bị khác. Tuyệt đối không để các đồ dùng như bát đĩa, dao kéo…vào trong nồi, làm trầy xước và hư hỏng lòng nồi.

4. Lòng nồi không tiếp xúc với mâm nhiệt

Kể cả khi lòng nồi không bị biến dạng, vẫn có khả năng lòng nồi không tiếp xúc được với mâm nhiệt do có dị vật (như hạt gạo, cặn bẩn) trên mâm nhiệt, gây cản trở quá trình truyền nhiệt. Bạn có thể nhận biết tình trạng này khi nồi phát tiếng kêu lách cách hoặc không ổn định khi nấu.

Trước khi nấu, bạn cần kiểm tra kỹ đáy nồi và bề mặt mâm nhiệt để loại bỏ vật cản kịp thời. Chú ý vệ sinh nồi cơm định kỳ từ 1-2 lần/tuần hoặc vệ sinh mỗi ngày nếu sử dụng nồi thường xuyên và dùng để nấu các món ăn khác ngoài cơm để đảm bảo vệ sinh của thiết bị, giúp nồi cơm điện hoạt động hiệu quả và tăng tuổi thọ.

5. Rơ-le nhiệt bị lỗi

Rơ-le nhiệt là bộ phận không thể thiết trên nồi cơm bởi nó có tác dụng đảm bảo an toàn cho hoạt động của nồi cơm. Độ nhạy của rơ-le cũng sẽ quyết định thời gian nhảy nút của nồi. Nếu rơ-le hoạt động bình thường, nồi cơm sẽ nhảy đúng lúc, trong điều kiện các bộ phận khác hoạt động bình thường. Nhưng một khi rơ-le gặp sự cố, nồi cơm nhảy sớm hơn bình thường, không thể nhấn nút COOK, nồi cơm không hoạt động.

Rơ-le nhiệt có thể bị lỗi do nhấn nút COOK quá nhiều hoặc do nồi đã quá cũ, khiến bộ phận này bị hao mòn nghiêm trọng và không còn hoạt động chính xác như trước. Cách sửa nồi cơm điện là thay rơ-le nhiệt nhưng chúng tôi không khuyến khích người dùng tự thực hiện tại nhà. Bộ phận này được kết nối với nhiều linh kiện và bộ phận khác của nồi cơm nên sai sót trong quá trình thay thế có thể dẫn đến các lỗi khác trên nồi cơm của bạn và vi phạm chính sách bảo hành của nhà cung cấp.

Nếu bạn tìm thấy các hướng dẫn thay thế rơ-le nhiệt tại nhà, bạn không nên thực hiện theo, đặc biệt là khi không có kiến thức chuyên môn. Chúng tôi khuyên bạn nên mang nồi cơm đến cơ sở sửa chữa chuyên nghiệp để được hỗ trợ. Nếu nồi cơm của bạn vẫn còn được bảo hành, hãy tìm đến các đơn vị ủy quyền uy tín.

5/5 (1 bầu chọn)